10/4/11

Nhộn nhịp bóng đá sân cỏ nhân tạo tại TP HCM

0h sáng nhiều sân cỏ nhân tạo (5 người chơi) tại khu vực trung tâm TP HCM vẫn sáng đèn, sôi động với những pha tranh chấp bóng quyết liệt, cùng với tiếng cổ vũ của các fan bên ngoài.

Tại TP HCM hiện nay, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo phát triển rộng khắp nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người chơi. Riêng ở khu vực trung tâm quận 1, 3 đã cả trăm sân bóng xuất hiện. Chi vài trăm nghìn đồng, từ sinh viên, công nhân viên chức, tới người lao động phổ thông… đều có thể đá bóng một cách say sưa.

Không khí sân cỏ nhân tạo luôn náo nhiệt ngay cả vào lúc sáng sớm. Ảnh: An Nhơn
Tại cụm sân D3, quận Bình Thạnh, 14 sân được đưa vào hoạt động chưa được một năm nhưng đã nhanh chóng được các bạn trẻ biết đến. Để có được sân chơi, mọi người phải liên hệ trước ít nhất một tuần. "Chúng tôi đã đặt sẵn sân cứ mỗi chiều thứ tư là đến thi đấu. Lúc đầu thấy anh em trong công ty ít nên chỉ đặt đấu một giờ. Về sau cảm thấy ít thời gian muốn đặt thêm thì không thể được nữa vì vướng các đội khác”, một thành viên công ty Cổ phần Việt Nam cho biết.

Tại đây, nhất là các buổi tối, không khí rất sôi động với những tiếng hò reo cổ vũ của các bạn gái đi theo. Có đội mặc trang phục như cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng cũng có cầu thủ ra sân với đôi chân trần. Đến những sân cỏ nhân tạo mọi người cũng có thể thấy rõ đội nào là fan của MU, Milan, Inter, Barca, Real... "Khi đặt áo, đội tôi đã đưa ra thăm dò các thành viên trong đội. Đa số đều là fan của MU nên chúng tôi chọn áo thi đấu giống MU. Đơn giản vậy thôi ", bạn Trung Kiên, thành viên CLB C.G.H hồ hởi nói.

Nhiều khi 0h sáng các sân cỏ nhân tạo như Trung Tâm Thể Dục Thể Thao Quận Bình Thạnh (quận Bình Thạnh), Chảo Lửa, Cộng Hòa (quận Tân Bình), Nhà Thiếu nhi TP (quận 3)... vẫn sáng đèn để đón các cầu thủ nghiệp dư. Đó là những công nhân viên chức, quản lý nhà hàng, tiếp viên, nấu bếp, giữ xe của các nhà hàng... đến lăn mình cùng quả bóng. Họ đặt sân trước và cứ tới ngày hẹn là ra sân. "Chẳng có ai muốn đấu giờ này cả nhưng do công việc nên chúng tôi phải chơi đêm thôi để duy trì niềm đam mê mà không ảnh hưởng tới thời gian làm việc", anh Minh Đức, nhân viên công ty ở quận 1 cho biết.

Anh Tuân, nhân viên khách sạn Sheraton cho biết: "Công việc xong dù muộn nhưng anh em không muốn nghỉ ngay mà ra sân chạy vài vòng cho toát mồ hồi, xả hết những buồn bực trong công việc rồi về ngủ một giấc để chuẩn bị cho ngày mới".

"Trước kia ít thi đấu nên tăng cân liên tục. Chỉ mới tham gia đá bóng sân cỏ nhân tạo cách nay hai tháng nhưng tôi thấy người nhẹ đi và săn chắc hơn", anh Trường, thuộc đội đá bóng CLB Luật sư tâm sự.

Không chỉ các bạn trẻ Việt Nam, các sân cỏ nhân tạo cũng có nhiều đội nước ngoài tới thi đấu. Họ là những người sinh sống và làm việc tại TP HCM. "Chúng tôi đến với bóng đá sân cỏ nhân tạo vì dễ chơi. Nhóm chúng tôi chỉ có hơn 10 người nên không thể thi đấu sân lớn. Hơn nữa sân nhỏ cũng vừa sức và tiền thuê sân cũng rẻ hơn", anh John Wilson, người Australia, chia sẻ.

Tranh chấp quyết liệt. Ảnh: An Nhơn.
Tại Làng đại học Thủ Đức, sân cỏ nhân tạo Anh Khoa hoạt động đã khoảng một năm và hết sức nhộn nhịp. Để phù hợp túi tiền sinh viên, giá cho thuê sân ở đây cũng dễ chịu hơn so với những nơi khác. Từ 5h sáng đến 18h là 180.000 đồng và sau đó là 220.000 đồng. Nơi đây luôn được các trường đại học chọn làm nơi tổ chức giải thi đấu cho sinh viên các khoa.

Khu vực trung tâm với các sân như Nhà văn hóa Thanh Niên, sân Đại học Y Dược, Tao Đàn (quận 1), Bà huyện Thanh Quan (quận 3)... hiện nay hầu như không còn giờ trống. Vì thiếu sân mà một số đội đến phải cáp ba thi đấu với nhau cùng trả tiền, đội thua sẽ ra ngoài. Để có thể đáp ứng nhu cầu, khuôn viên trường đại học Y Dược, nhà văn hóa Thanh Niên đang đầu tư mở rộng thêm sân. Thậm chí nhiều sân bóng chuyền được san bằng thay vào đó là lớp cỏ nhân tạo.

Giá thuê các sân hiện nay ở khu trung tâm dao động từ 300.000 đến 350.000 đồng cho một giờ thi đấu. Còn ở các quận ngoại thành như Thủ Đức, quận 12, Bình Chánh..., giá từ 200.000 đến 300.000 đồng. Giá thuê sân cũng tùy theo giờ chơi, cao nhất là vào các giờ cao điểm chiều và tối, khi mọi người đã xong công việc.

Anh Hùng, quản lý sân trường Đại học Y Dược, nơi được xem là khu trung tâm, cho biết: "Chỗ chúng tôi người chơi đa số là các công nhân, viên chức các công ty lân cận đến thuê theo tháng. Giờ vàng, vào sáng sớm và chiều đến tối, giờ không còn sân cho thuê thêm. Để có một sân cỏ nhân tạo, ngoài mặt bằng sẵn có, người đầu tư hiện nay cần ít nhất khoảng 600 đến 700 triệu đồng, trong đó phần lớn là tiền cỏ vì phải nhập từ Trung Quốc".
Theo vnexpress.net
F

6/4/11

Sân cỏ nhân tạo TP. Phan Thiết - Bình Thuận đã hoàn thành

Ngày 04/04/2011, Thanh Thịnh đã chính thức bàn giao và đưa vào hoạt động sân cỏ nhân tạo tại Phan Thiết - Bình Thuận. "Lịch đặt sân đã kín cho các ngày sắp tới", chủ đầu tư hồ hỡi nói.

Sân cỏ nhân tạo này Thanh Thịnh đã thi công trong vòng 02 tuần (kể cả làm nền - do chủ đầu tư) đạt kỷ lục nhanh nhất từ trước tới nay. Đây là một sự nổ lực lớn từ phía chủ đầu tư và Thanh Thịnh.

Ông Kiều Văn Võ - Chủ đầu tư nói: " Mục tiêu của tôi đưa ra đã hoàn thành tốt đẹp, tôi rất hài lòng cách làm việc và hợp tác chặt chẽ của Thanh Thịnh"

Mặt sân cỏ đã hoàn thành
Hoàn thiện phần lưới chắn bóng
F

5/4/11

Ký hợp đồng thi công sân cỏ nhân tạo tại TP Đà Nẵng - Hợp đồng tiếp theo

Ngày 05/04/2011, Thanh Thịnh đã ký hợp đồng thi công sân cỏ nhân tạo tại Đà Nẵng. Đây là hợp đồng tiếp theo mà Thanh Thịnh ký tại thị trường này trong thời gian rất ngắn.

Cầu sông Hàn - Biểu tượng của Đà Nẵng

Sân cỏ nhân tạo này đã hoàn thành phần nền sân. Hiện tại, chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thành các phần hạ tầng còn lại. Thanh Thịnh dự kiến hoàn thành sân cỏ nhân tạo này trong tháng 4.
F

Sân cỏ nhân tạo Bình Phước đã hoàn thành

Ngày 04/04/2011 sân cỏ nhân tạo tại Bình Phước đã hoàn thành. Ở đây, điều kiện thi công tương đối khó khăn như máy móc, vật tư. Chủ đầu tư cũng rất cố gắng để hoàn thành sớm để phục vụ dân phủi. Riêng Thanh Thịnh, đã thi công nhanh chóng, kiểm tra kỹ lưỡng các hạng mục của mình.

Mặt cỏ sân bóng đã hoàn thành

Lưới che nóc cũng bắt đầu hoàn tất
Về ý kiến chủ đầu tư: "sự kết hợp nhịp nhàng giữa chúng tôi với Thanh Thịnh đã tạo ra một sân bóng tuyệt vời. Tôi cũng xin cảm ơn Thanh Thịnh đã cùng tôi trong suốt quá trình tư vấn, thi công sân bóng này" - Anh Bảo - Chủ đầu tư nói
F

3/4/11

Ký hợp đồng thi công sân cỏ nhân tạo tại TP Đà Nẵng

Ngày 29/03/2011, Thanh Thịnh đã ký hợp đồng thi công sân cỏ nhân tạo tại TP. Đà Nẵng. Mặc dù Thanh Thịnh đã thi công sân cỏ nhân tạo tại Quảng Ngãi, Bình Định nhưng đây là lần đầu tiên Thanh Thịnh thi công sân cỏ tại TP. Đà Nẵng - Thành phố lớn nhất Miền Trung.

Với cơ sở hạ tầng phát triển nhanh nhất Miền Trung, TP. Đà Nẵng đang thay đổi từng ngày. Mức sống của người dân thành phố này tăng lên rõ rệt. Kèm theo đó là nhu cầu về vui chơi, giải trí cũng phát triển theo. Các sân cỏ nhân tạo cũng đã hình thành để phục vụ một lượng "dân phủi" khổng lồ. Theo ước tính của Thanh Thịnh, hiện Đà Nẵng có khoảng trên 20 sân cỏ nhân tạo. Với lượng sân cỏ nhân tạo này còn lâu mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Chủ đầu tư chuẩn bị mặt bằng thi công sân cỏ nhân tạo
Thanh Thịnh và chủ đầu tư khảo sát mặt bằng
F

Đầu tư sân bóng không “dễ ăn”

SGTT - Đã có trên 1.000 sân bóng đá mini, nhưng nhiều cá nhân, công ty bất động sản trên địa bàn TP.HCM vẫn tiếp tục đầu tư vào phân khúc khá hẹp này, cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Theo tổng hợp thông tin từ các chủ đầu tư sân bóng đá mini, chỉ cần bỏ ra từ 300 – 500 triệu đồng là có thể xây dựng một sân bóng đá mini “tầm trung” cho năm người chơi. Nếu muốn đầu tư một sân lớn hơn một chút thì số vốn dao động từ 1 – 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, tuỳ vào diện tích đất rộng hay hẹp, ở ngoại hay nội thành mà chi phí về đất có thể nhiều hoặc ít.

Vốn đầu tư ít

Người dân khó tìm thuê chỗ chơi bóng vào thứ bảy, chủ nhật
Chị Lê Hồng, chủ sân Bình Trị Đông A, trên Hương lộ 2, quận Bình Tân cho biết, gia đình chị có một miếng đất rộng 3.000m2. Do đất nông nghiệp nên việc chuyển đổi mục đích khó khăn. Ban đầu chị định lập dự án xây dựng mấy căn nhà để bán hoặc xây nhà trọ cho thuê. Tuy nhiên, trước tình hình giá nhà đất liên tục giảm và không ai mua, cộng thêm vốn làm nhà cũng không đủ nên chị quyết định làm một sân bóng đá mini.
“Tình cờ một lần đi chơi nhà người bạn nằm kế một sân bóng đá, tìm hiểu biết chủ sân ăn nên làm ra, nên tôi đã quyết định đầu tư sân bóng đá”, chị Hồng cho biết.
Theo tính toán của chị Hồng, tổng chi phí đầu tư cho sân bóng khoảng 2 tỉ đồng. Số tiền này ít hơn nhiều so với việc đầu tư xây dựng một khu nhà cho thuê. Về hiệu quả kinh doanh, theo chị Hồng là “ngày nào cũng có nguồn thu ổn định”. Hiện mỗi tháng, trừ hết chi phí, chị thu về khoảng trên dưới 40 triệu đồng.

Trong khi đó, tại sân bóng đá Linh Đông, quận Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Sinh, quản lý ở đây cho hay số vốn đầu tư ban đầu là 1,6 tỉ đồng bao gồm cho việc san lấp mặt bằng, trồng cỏ, hệ thống chiếu sáng, bảo dưỡng sân… Hiện sân bóng này đã đi vào hoạt động ổn định, lượng khách đến sân ngày càng đông, nên mỗi ngày ông thu từ tiền vé và bán đồ ăn uống, dịch vụ… hơn 2 triệu đồng. Lợi nhuận không cao như làm văn phòng, khách sạn, chung cư… nhưng theo ông Sinh: “Dù lượm bạc cắc nhưng ngày nào cũng có thu và đầu tư một lần là có thể thu hàng chục năm”.

Theo khảo sát, hiện giá thuê sân bóng đá mini ở khu vực ngoại thành TP.HCM từ 150 – 200 ngàn đồng/giờ (ban ngày). Riêng thời gian được gọi là giờ vàng (từ 17 – 21 giờ) và các ngày thứ bảy, chủ nhật thì tiền thuê sân có thể lên 250 – 300 ngàn đồng/giờ. Trong khi đó, giá thuê sân ở khu vực trung tâm cao hơn, từ 200 – 400 ngàn đồng/giờ. Nhiều sân ở Kỳ Hoà vào những giờ cao điểm giá thuê lên đến 500 ngàn đồng/giờ. Mặc dù giá thuê sân khá đắt nhưng đôi khi không phải cứ a lô là khách có sân ngay để chơi mà phải đặt tiền cọc cho cả tháng mới có.

Không phải làm là “thắng”

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, giám đốc công ty Quốc Tế Việt – chuyên về đầu tư, xây dựng sân cỏ, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.000 sân bóng đá mini, tập trung chủ yếu ở các quận huyện ngoại thành. “Sở dĩ các sân bóng đá mini phát triển chủ yếu ở ngoại thành vì việc tìm mặt bằng dễ hơn nội thành, mặt khác giá mua hoặc thuê đất cũng dễ chịu hơn”. Còn ông Dương Minh Đà, giám đốc trung tâm Thể dục thể thao quận 12 cho biết, quận này hiện có trên 40 sân bóng đá mini. “Ngoài ra vừa có thêm bốn hồ sơ xin phép xây dựng sân bóng đá dạng này”.
Do lợi nhuận khá hấp dẫn, nên số lượng sân bóng đá mini ở TP.HCM đã nở rộ trong những năm gần đây, khiến lợi nhuận đầu tư vào lĩnh vực này có xu hướng giảm và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thực tế không phải sân bóng nào xây dựng xong cũng “hốt bạc”, đặc biệt là đối với những người đi thuê đất.
Chủ sân bóng đá Phúc Thành, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Lê Minh Thiện nói do không có đất nên ông phải đi thuê 1.800m2 đất, với giá 12 triệu đồng/tháng để làm sân bóng đá. Để khai thác sân bóng lâu dài, trong hợp đồng thuê đất mỗi năm giá thuê tăng thêm 5 – 10%. Trong khi đó, theo ông Thiện, hiện chỉ riêng phường Hiệp Bình Chánh, đã có khoảng mười sân bóng đá và nhiều người vẫn đang đầu tư vào lĩnh vực này. Vì thế, lợi nhuận của các sân ngày càng giảm. Để kéo khách, tăng khả năng cạnh tranh, tôi đang tính đến chuyện tài trợ cho các giải thi đấu bóng đá tại địa phương và giảm giá thuê sân”, ông Thiện cho biết.
Theo ông Việt và một số chủ sân bóng đá, nếu làm sân mà không khảo sát trước nhu cầu sẽ thua chắc. “Nếu mua, thuê đất ở khu trung tâm thì vốn đầu tư về bất động sản sẽ rất lớn, lợi nhuận vì thế cũng không nhiều, thậm chí có khi lỗ”. Bởi nếu làm sân bóng phải dành ít nhất 1.000m2 cộng với một khu đất lớn để xây dựng phòng thay đồ, nhà vệ sinh, khu vực dịch vụ…
Theo sgtt.com.vn
F