10/4/11

Nhộn nhịp bóng đá sân cỏ nhân tạo tại TP HCM

0h sáng nhiều sân cỏ nhân tạo (5 người chơi) tại khu vực trung tâm TP HCM vẫn sáng đèn, sôi động với những pha tranh chấp bóng quyết liệt, cùng với tiếng cổ vũ của các fan bên ngoài.

Tại TP HCM hiện nay, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo phát triển rộng khắp nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người chơi. Riêng ở khu vực trung tâm quận 1, 3 đã cả trăm sân bóng xuất hiện. Chi vài trăm nghìn đồng, từ sinh viên, công nhân viên chức, tới người lao động phổ thông… đều có thể đá bóng một cách say sưa.

Không khí sân cỏ nhân tạo luôn náo nhiệt ngay cả vào lúc sáng sớm. Ảnh: An Nhơn
Tại cụm sân D3, quận Bình Thạnh, 14 sân được đưa vào hoạt động chưa được một năm nhưng đã nhanh chóng được các bạn trẻ biết đến. Để có được sân chơi, mọi người phải liên hệ trước ít nhất một tuần. "Chúng tôi đã đặt sẵn sân cứ mỗi chiều thứ tư là đến thi đấu. Lúc đầu thấy anh em trong công ty ít nên chỉ đặt đấu một giờ. Về sau cảm thấy ít thời gian muốn đặt thêm thì không thể được nữa vì vướng các đội khác”, một thành viên công ty Cổ phần Việt Nam cho biết.

Tại đây, nhất là các buổi tối, không khí rất sôi động với những tiếng hò reo cổ vũ của các bạn gái đi theo. Có đội mặc trang phục như cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng cũng có cầu thủ ra sân với đôi chân trần. Đến những sân cỏ nhân tạo mọi người cũng có thể thấy rõ đội nào là fan của MU, Milan, Inter, Barca, Real... "Khi đặt áo, đội tôi đã đưa ra thăm dò các thành viên trong đội. Đa số đều là fan của MU nên chúng tôi chọn áo thi đấu giống MU. Đơn giản vậy thôi ", bạn Trung Kiên, thành viên CLB C.G.H hồ hởi nói.

Nhiều khi 0h sáng các sân cỏ nhân tạo như Trung Tâm Thể Dục Thể Thao Quận Bình Thạnh (quận Bình Thạnh), Chảo Lửa, Cộng Hòa (quận Tân Bình), Nhà Thiếu nhi TP (quận 3)... vẫn sáng đèn để đón các cầu thủ nghiệp dư. Đó là những công nhân viên chức, quản lý nhà hàng, tiếp viên, nấu bếp, giữ xe của các nhà hàng... đến lăn mình cùng quả bóng. Họ đặt sân trước và cứ tới ngày hẹn là ra sân. "Chẳng có ai muốn đấu giờ này cả nhưng do công việc nên chúng tôi phải chơi đêm thôi để duy trì niềm đam mê mà không ảnh hưởng tới thời gian làm việc", anh Minh Đức, nhân viên công ty ở quận 1 cho biết.

Anh Tuân, nhân viên khách sạn Sheraton cho biết: "Công việc xong dù muộn nhưng anh em không muốn nghỉ ngay mà ra sân chạy vài vòng cho toát mồ hồi, xả hết những buồn bực trong công việc rồi về ngủ một giấc để chuẩn bị cho ngày mới".

"Trước kia ít thi đấu nên tăng cân liên tục. Chỉ mới tham gia đá bóng sân cỏ nhân tạo cách nay hai tháng nhưng tôi thấy người nhẹ đi và săn chắc hơn", anh Trường, thuộc đội đá bóng CLB Luật sư tâm sự.

Không chỉ các bạn trẻ Việt Nam, các sân cỏ nhân tạo cũng có nhiều đội nước ngoài tới thi đấu. Họ là những người sinh sống và làm việc tại TP HCM. "Chúng tôi đến với bóng đá sân cỏ nhân tạo vì dễ chơi. Nhóm chúng tôi chỉ có hơn 10 người nên không thể thi đấu sân lớn. Hơn nữa sân nhỏ cũng vừa sức và tiền thuê sân cũng rẻ hơn", anh John Wilson, người Australia, chia sẻ.

Tranh chấp quyết liệt. Ảnh: An Nhơn.
Tại Làng đại học Thủ Đức, sân cỏ nhân tạo Anh Khoa hoạt động đã khoảng một năm và hết sức nhộn nhịp. Để phù hợp túi tiền sinh viên, giá cho thuê sân ở đây cũng dễ chịu hơn so với những nơi khác. Từ 5h sáng đến 18h là 180.000 đồng và sau đó là 220.000 đồng. Nơi đây luôn được các trường đại học chọn làm nơi tổ chức giải thi đấu cho sinh viên các khoa.

Khu vực trung tâm với các sân như Nhà văn hóa Thanh Niên, sân Đại học Y Dược, Tao Đàn (quận 1), Bà huyện Thanh Quan (quận 3)... hiện nay hầu như không còn giờ trống. Vì thiếu sân mà một số đội đến phải cáp ba thi đấu với nhau cùng trả tiền, đội thua sẽ ra ngoài. Để có thể đáp ứng nhu cầu, khuôn viên trường đại học Y Dược, nhà văn hóa Thanh Niên đang đầu tư mở rộng thêm sân. Thậm chí nhiều sân bóng chuyền được san bằng thay vào đó là lớp cỏ nhân tạo.

Giá thuê các sân hiện nay ở khu trung tâm dao động từ 300.000 đến 350.000 đồng cho một giờ thi đấu. Còn ở các quận ngoại thành như Thủ Đức, quận 12, Bình Chánh..., giá từ 200.000 đến 300.000 đồng. Giá thuê sân cũng tùy theo giờ chơi, cao nhất là vào các giờ cao điểm chiều và tối, khi mọi người đã xong công việc.

Anh Hùng, quản lý sân trường Đại học Y Dược, nơi được xem là khu trung tâm, cho biết: "Chỗ chúng tôi người chơi đa số là các công nhân, viên chức các công ty lân cận đến thuê theo tháng. Giờ vàng, vào sáng sớm và chiều đến tối, giờ không còn sân cho thuê thêm. Để có một sân cỏ nhân tạo, ngoài mặt bằng sẵn có, người đầu tư hiện nay cần ít nhất khoảng 600 đến 700 triệu đồng, trong đó phần lớn là tiền cỏ vì phải nhập từ Trung Quốc".
Theo vnexpress.net
F

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét