Nhu cầu thuê sân cỏ nhân tạo bắt đầu phát triển, không ít nhà đầu tư đã nhìn thấy cơ hội và bắt tay vào kinh doanh.
Từ thành thị tới nông thôn
Thanh Thịnh vốn là công ty chuyên kinh doanh trà và cà phê xuất khẩu. Năm 2009 công ty đã bỏ hẳn lĩnh vực kinh doanh này để chuyển sang loại hình kinh doanh mới là sân cỏ nhân tạo.
Hơn 2 năm kinh doanh loại hình này, Thanh Thịnh đã thi công gần 200 sân cỏ nhân tạo từ Đà Nẵng trở vào Nam. Riêng ở TP.HCM, Công ty đã xây dựng trên 30 sân. Ông Long cho biết, TP.HCM đã có gần 500 sân cỏ nhân tạo. Theo ông, TP.HCM có khoảng 20 công ty chuyên thiết kế và thi công sân cỏ nhân tạo.
Không ít cầu thủ đã kinh doanh sân cỏ nhân tạo, trong đó có Tấn Trường, thủ môn đội tuyển quốc gia Việt Nam. Tấn Trường được giới đầu tư trong lĩnh vực này đánh giá là khôn ngoan khi đã mạnh dạn đầu tư đúng thời điểm vào lĩnh vực này.
Tấn Trường đã đầu tư làm 6 sân cỏ nhân tạo mang tên “Sài Gòn FC” tại đường Trần Văn Dư, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM. Các sân bóng này đã được khai trương vào tháng 1.2011 với vốn đầu tư cho mỗi sân là 350 triệu đồng. Tấn Trường cho biết, công suất hoạt động mỗi sân ít nhất là 4 tiếng/ngày, doanh thu khoảng 7-8 triệu đồng/ngày. Do việc quản lý sân bóng không mấy phức tạp nên Tấn Trường nhờ 3 người thân quản lý còn anh tiếp tục thi đấu ở giải V-League. Theo Tấn Trường, tên tuổi của anh sẽ giúp sân bóng thu hút khách hơn.
Sau khi sân cỏ nhân tạo dần phổ biến tại các thành phố lớn, các nhà đầu tư tiếp tục thâm nhập các thị trường nhỏ hơn nhưng không kém tiềm năng. Đó là các huyện, xã ở các vùng nông thôn. “Trên 330 huyện của 33 tỉnh từ Đà Nẵng trở vào đã có sân cỏ nhân tạo. Mỗi huyện cần khoảng 2 sân cỏ nhân tạo, thị xã cần khoảng 10 sân trở lên”, ông Long, Giám đốc Thanh Thịnh, cho biết.
Đầu tư khoảng 400 triệu đồng
Đầu tư sân cỏ nhân tạo cho thuê là lĩnh vực được đánh giá là không quá rủi ro. “Đầu tư vào lĩnh vực sân cỏ nhân tạo thì khả năng thu hồi vốn nhanh và nguồn khách hàng có sẵn”, ông Đỗ Việt Dũng, Giám đốc Công ty Thương mại Cơ điện Đầu tư Xây dựng Việt Nam DVN, một đơn vị chuyên thi công sân cỏ nhân tạo, cho biết. Sau gần 2 năm, Công ty đã thi công được khoảng 200 sân cỏ nhân tạo, chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng.
Sân cỏ tự nhiên đòi hỏi phải chăm sóc kỹ và chi phí chăm sóc cao, phải tưới nước, bón phân định kỳ (một sân cỏ tự nhiên cần từ 90-130 triệu lít nước/năm). Trong khi đó, sân cỏ nhân tạo chỉ phải đầu tư một lần và chi phí chăm sóc bảo trì không lớn. Mặt phẳng của sân cỏ nhân tạo bằng phẳng hơn cỏ tự nhiên và đá trên sân cỏ nhân tạo không bị dính đất cát. Với sân cỏ tự nhiên, một tuần chỉ có thể đá khoảng 2 trận để cho cỏ phục hồi. Trong khi đó, sân cỏ nhân tạo lúc nào cũng có thể phục vụ người chơi.
Vốn đầu tư cho một sân cỏ nhân tạo dành cho đội hình 7 người diện tích 1.200m² vào khoảng 400 triệu đồng. Sau 3-5 năm mới phải tái đầu tư và chi phí tái đầu tư (chủ yếu cho việc thay mới cỏ) chỉ khoảng 60-70% so với vốn ban đầu.
Giá thuê sân cỏ nhân tạo tại thị trường Hà Nội hiện nay khoảng 700.000 đồng/1,5 giờ. Tại TP.HCM giá thuê dao động khoảng 250.000-300.000 đồng/giờ cao điểm (sau giờ tan sở) và khoảng 150.000 đồng/giờ thường. Ở những khu đất đắc địa như Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM thì giá thuê không dưới 500.000 đồng/giờ. Công suất hoạt động của các sân này thường hơn 5-6 tiếng/ngày.
Tại các tỉnh thành khác, chủ đầu tư thu tiền thuê sân ít hơn. Tuy vậy, vốn đầu tư lại thấp hơn do đất rộng rãi và giá rẻ hơn thành phố. Anh Dương Tấn Thiên Phúc, một chủ đầu tư sân cỏ nhân tạo tại Cà Mau, cho biết anh có 4 sân trên đất của gia đình với tổng vốn đầu tư trên 2 tỉ đồng. Sân bóng của anh hoạt động trung bình khoảng 7 giờ/ngày với giá thuê ban ngày là 150.000 đồng/giờ, ban đêm là 180.000 đồng/giờ.
Với giá thuê và công suất cho thuê như vậy, các nhà đầu tư tính toán, chỉ sau khoảng 1-2 năm là có thể thu hồi vốn. Nếu sau 2-3 năm mà chủ đầu tư không muốn kinh doanh thì có thể bán lại sân bóng với giá khoảng 20% vốn đầu tư.
Ông Long, Công ty Thanh Thịnh, cho biết nhà đầu tư cần chú ý yếu tố vị trí, mặt bằng làm sân. Không chỉ xây dựng ở khu đông dân cư, môi trường tại nơi đặt sân cũng cần thoáng đãng và trong lành. Ông cho biết, có trường hợp nhà đầu tư không khảo sát kỹ địa điểm đặt sân nên xây sân bên cạnh khu vực thường xuyên có xịt thuốc trừ sâu hay đặt gần các khu chăn nuôi nên không khí có mùi khó chịu, khách hàng dù có nhu cầu cũng không dám đến chơi.
Theo báo Nhịp Cầu Đầu Tư
http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=9841
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét